Trong những năm gần đây, khắp các miền quê ở Quảng Nam như Quế Sơn, Tiên Phước, Trà My, Nông Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Hội An…cây Cau đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Tuy nhiên nhiều người vẫn đang phân vân chưa dám trồng nhiều bởi chưa hiểu rõ hiệu quả kinh tế từ cây cau. Sau đây là một số thông tin và hiệu quả kinh tế từ việc trồng cau:
1. Đặc điểm:
– Cau là loại cây dễ trồng, thích hợp với mọi loại đất, sinh trưởng, phát triển mạnh, cho quả sai.
– Cây chịu hạn tốt, dù nắng hạn kéo dài cây cây cau vẫn phát triển và cho quả.
– Cây cau thân dẻo dai, tán lá hẹp, khi gió mạnh lá cau xếp lại ít cản gió nên chống chịu gió bão rất tốt, không bị gãy đổ.
– Cây cau con thích hợp dưới bóng cây nên khi trồng không cần chăm sóc kĩ hay phát chồi, chỉ dọn quanh gốc cau, ít tốn công chăm sóc. Có thể trồng xen trong vườn chuối, cây ăn quả hay trồng quanh bờ vườn để làm trụ rào, ranh giới.
– Cau sinh trưởng phát triển mạnh, ít bị sâu bệnh hại.
– Cây cau nếu chăm sóc kĩ thì từ 4 năm đến 5 năm cho quả.
– Tán hẹp có thể trồng ở mật độ dày hoặc trồng xen với các loại cây khác hoặc trồng nhiều tầng.
– Cau chỉ trồng một lần và thu hoạch lâu dài vì tuổi thọ cây rất lâu, trên 50 năm.
2. Công dụng: Cau là loại cây đa mục đích:
– Quả cau:
+ Quả cau non sấy khô là mặt hàng xuất khẩu sang nhiều nước để sản xuất Kẹo cau là chính. Kẹo cau có tác dụng làm ấm cơ thể, chống viêm họng, dùng cho những người đi biển nên được các nước Châu Âu, các vùng khí hậu lạnh rất ưa chuộng.
+ Quả cau dùng làm lễ vật cưới hỏi, các dịp lễ tết, ăn trầu. Những năm gần đây cau non xuất khẩu sốt giá nên người ta chủ yếu bán cau non. Vì vậy trong các dịp lễ tết như tết Nguyên Đán giá cau rất cao, thường là 5.000-10.000 đồng/1 quả. Nhu cầu dùng cau cho lễ cưới, hỏi cũng tăng cao do đám cưới nhiều, nhất là vào mùa cưới (tháng 4, 6 và tháng 11,12 âm lịch), mỗi buồng cau cưới khoảng 300.000 – 500.00 đồng, có năm lên đến 1 triệu đồng/buồng. Theo thống kê của Ủy ban Trẻ em và gia đình và trẻ em Việt Nam, mỗi năm người Việt Nam ta có khoảng 1,6 triệu đám cưới tương đương với việc tiêu tốn 1,6 triệu cây cau dùng cho cưới hỏi.
+ Hạt cau già (cau sọ) được dùng làm dược liệu. Cau sọ còn gọi là Binh lang là 1 trong những vị thuốc chữa giun sán, sốt rét,… Vì cau non xuất khẩu mạnh nên giá cau sọ thường rất cao, khoảng 100.00-150.000 đồng/kg.
– Thân cau: dẻo, chắc nên dùng làm đòn tay, làm nhà Vườn cho khu du lịch sinh thái. Thân cau cùng với mây, tre dùng để làm các công trình, nhà ở, nhà rông, nhà vườn, quán cafe rất đẹp. Đặc biệt gỗ cau còn dùng để sản xuất đũa rất tốt.
– Bẹ cau, lá cau khô: dùng sản xuất hàng mỹ nghệ, chất đốt.
3. Thị trường tiêu thụ:
– Cau buồng giá rất cao vào mùa cưới và dịp tết, chủ yếu mua bán trong nước.
– Cau non và hạt cau già được xuất khẩu sang các nước Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu xứ lạnh để làm kẹo Cau và một số sản phẩm khác từ Cau. Hiện nay với giá quả Cau non dao động từ 20.000- 30.000 đồng/kg. (Sau khi gia công luộc sấy khô thành phẩm bán ra với giá 120.000đ – 150.000đ/kg).